"Mẹo" làm bài được điểm tối đa trong kỳ thi quốc gia năm 2016
Thứ Tư, 1 tháng 6, 2016
Mặc dù hướng dẫn chấm thi của Bộ GD-ĐT không quy định thang điểm
trình bày, nhưng người chấm bài sẽ ưu ái với một bài thi trình bày bài khoa
học, mạch lạc; ngược lại, một vài lỗi trình bày nhỏ có thể khiến học sinh mất
trọn điểm câu hỏi đó.
Đối với môn Toán, học
sinh thường gạch bỏ và tẩy xóa một cách cẩu thả, viết chen phần sửa với phần
gạch bỏ dẫn tới dễ bị chấm sót, không đánh số thứ tự câu khi làm bài, bỏ trống
nhiều chỗ trên giấy thi, làm một câu kéo dài nhiều nơi trong bài làm dẫn tới dễ
bị chấm sai, chấm sót và cộng điểm thiếu.
Nhiều học sinh sử dụng
ký hiệu và viết tắt tùy tiện, sử dụng hai màu mực trong một bài thi, trình bày
bài quá vắn tắt đến mức quên cả bước biến đổi quan trọng,vẽ đồ thị cẩu thả
thiếu cân đối, kết luận mà thiếu giải thích. Ngược lại, có học sinh lại trình
bày bài quá dài dòng, viết cả những biến đổi lặt vặt không cần thiết vào bài
dẫn tới bài làm bị rối và phức tạp. Bài toán rất đơn giản nhưng lại chọn các
phương pháp làm cầu kỳ, nhiều kỹ xảo.
Thầy Lê Bá Trần Phương
(Giảng viên Đại học Công nghiệp Hà Nội) chia sẻ: “Gặp những lỗi trình bày khi
chấm bài thi, nếu thẳng tay trừ điểm thì cảm thấy bứt rứt trong lòng nhưng nếu
không trừ điểm thì thấy sai quy định”.
Cũng theo thầy Phương,
không nhất thiết phải làm theo thứ tự câu trong đề bài, câu nào biết làm thì
làm trước nhưng nên ghi rõ bài mấy, câu mấy khi làm; tuyệt đối không dùng bút
xóa hay gạch bỏ cẩu thả. Nếu sai, nên dùng thước gạch chéo vào phần cần bỏ và
viết lại phần đúng vào phía dưới, không viết kế bên hay ghi chèn vào phần đã
gạch bỏ. Nếu trong bài có kí hiệu, viết tắt không phổ biến thì phải quy ước kí
hiệu, viết tắt đó ở đầu bài. Nên nháp trước cách giải để dự đoán trước các khó
khăn và làm trọn vẹn từng câu, tránh bỏ trống giấy thi và làm nhiều phần của câu
ở nhiều nơi trong bài…
Thầy Phương khẳng định:
“Một lỗi trình bày nhỏ có thể kéo theo đó hàng loạt biến đổi sai và khiến học
sinh mất trọn vẹn điểm của câu hỏi đó”.
Đối với môn Ngữ văn, TS.
Trịnh Thu Tuyết vạch ra một số lỗi trình bày thường gặp như không thống nhất
cách trình bày trong một bài văn (cách lùi đầu dòng, khoảng cách các đoạn…),
viết tắt tùy tiện mà không có quy ước theo quy định, lạm dụng viết tắt, viết
hoa không đúng chính tả (không viết hoa tên nhân vật, tên địa danh…), sử dụng
từ địa phương (răng, rứa, mô…), có quá nhiều lỗi chính tả trong bài. Đặc biệt,
khi làm câu đọc hiểu, học sinh thường trình bày mỗi ý bằng cách gạch ngang…
Theo cô Trịnh Thu Tuyết,
khi làm bài đọc hiểu, hãy trả lời mỗi ý của câu hỏi bằng một đoạn văn ngắn, hạn
chế sử dụng dấu gạch ngang trong bài làm. Ngay từ bây giờ, học sinh phải rèn
thói quen trình bày khi làm bài kiểm tra, thi thử nhằm hạn chế tối đa những lỗi
trình bày thường mắc phải. Ngoài ra, một bài làm văn trình bày sạch sẽ, thoáng
đãng, rõ ràng sẽ lấy lòng người chấm bài. Thử nghĩ xem, nếu bạn chấm một bài
văn mà người chấm liên tục phải nheo mắt để xem thí sinh viết gì thì bạn có khó
chịu không?
Đối với những môn thi
trắc nghiệm, học sinh thường khoanh toàn bộ đáp án vào nháp sau đó mới đối
chiếu vào phiếu điền kết quả. Chính vì đối chiếu đáp án sai và không kiểm tra
lại cẩn thận nên thường hụt điểm so với bản nháp. Tô đáp án mờ, tô hai đáp án
khiến máy chấm không dò được đáp án cũng là một lỗi sai tưởng ngớ ngẩn nhưng
lại rất nhiều học sinh mắc phải.
0,25 điểm tưởng nhỏ
nhưng có thể quyết định đỗ/trượt. Vì vậy, nếu làm được câu hỏi nào phải chắc
chắn giành điểm tối đa câu hỏi đó, tránh vì những lỗi trình bày mà bị trừ điểm
đáng tiếc.
Ngày 8/6/2016, Báo Dân
trí phối hợp với Hocmai.vn tổ chức
“Thi thử tổng duyệt trước kỳ thi THPT quốc
gia với 6 môn học Toán, Vật lí, Hóa học, Sinh học, Tiếng Anh, Ngữ văn”.
Đây
được coi là bước tổng duyệt quan trọng, giúp học sinh chuẩn bị sẵn sàng về
mặt kiến thức cũng như tâm lí cho kỳ thi THPT quốc gia diễn ra chỉ sau 1 tháng
nữa.
Thời gian mở đề: 14h00 ngày 8/6/2016.
|
PV Dân trí
All comments [ 0 ]
Your comments