Dạy thêm có phải là sai trái?

00:16 |

Các phụ huynh có muốn con mình đi học thêm không???


Khái niệm về dạy thêm của các bậc phụ huynh như thế nào???
Thời gian trên lớp liệu có đủ để cho con em mình đầy đủ kiến thức???
Và liệu đồng lương giáo viên mầm non, giáo viên tiểu học, giáo viên trung học có đủ cho việc chi phí sinh hoạt không???
Theo quan điểm của bạn liệu những giáo viên tâm huyết với nghề, có kỹ năng tốt có nên dạy thêm giúp cho bản thân tăng thêm thu nhập, giúp cho học sinh có nhiều thời gian ôn luyện học tập, nâng cao kiến thức hạn hẹp trong nhà trường



Có những thầy cô giáo yêu nghề bám nghề nhờ dạy thêm

Không ít nhiều giáo viên nhờ có nguồn cứu cánh từ dạy thêm mới có thể bám trụ nổi với nghề giáo, còn không họ sẽ bươn chải bằng các công việc khác ngoài chuyên môn của mình để “nuôi” lòng yêu nghề.
Cô là giáo dạy giỏi môn Hóa, giờ là hiệu trưởng tại một trường THPT ở Bình Thạnh, TPHCM. Cô từng tuyên bố không ngại ngần: “Tôi sống chủ yếu nhờ dạy thêm!”. Bởi nếu không nguồn thu nhập từ dạy thêm, chắc gì bây giờ ngành giáo dục giữ được một nhà quản lý có tâm có tài quản lý có tiếng, từng là nữ đại biểu Quốc hội khóa XII với những tiếng nói sắt đá ở nghị trường.
Một giáo viên khác, giờ là Thạc sĩ giáo dục đang truyền lòng yêu nghề cho rất nhiều sinh viên bằng chuyên môn vững vàng và nhiệt huyết của mình. Khi còn là sinh viên và lúc mới ra trường, nếu không nhờ vào việc dạy thêm thì giờ có thể cô đã về quê buôn bán hoặc làm một công việc nào khác chứ chắc chắn không còn gieo chữ trên bục giảng.
Công bằng mà nói, việc dạy thêm của giáo viên, nhất là những giáo viên giỏi chuyên môn mang lại những lợi ích nhất định cho học trò giúp các em đương đầu với chương trình học quá tải, với áp lực thi cử.
Đối với giáo viên trẻ, việc dạy học trên lớp gò bó theo khuôn khổ chương trình, sách giáo khoa, thời gian hạn hẹp thì dạy thêm còn là không gian để họ thỏa sức vùng vẫy, nâng cao chuyên môn..
Nhu cầu dạy thêm của giáo viên phần lớn xuất phát từ thực tế đồng lương quá bèo bọt. Họ làm thêm, kiếm thêm bằng chính chuyên môn là cách thức lao động chân chính và là một nhu cầu chính đáng nhưng cũng chua cay vô cùng.
Nỗi chua cay lớn nhất mà nhà giáo phải đối diện khi kiếm sống chính đáng chính là thái độ của dư luận, xã hội xem người thầy dạy thêm như tội phạm. Có những giáo viên “bắt ép” học trò nhưng đó là con số ít trong nhu cầu học thêm từ chính học sinh.
Bao nhiêu nhà giáo lương tri phải chảy nước mắt trước đủ quy định về dạy thêm học thêm lúc thế này, lúc thế khác cùng không ít những lần “ra quân” bắt bớ. Rồi lâu lâu lại xuất hiện những văn bản, phát biểu cảnh báo, nhắc nhở… gây sát thương với tâm hồn nhạy cảm của nhà giáo hơn bất cứ thứ vũ khí nào.

Bao giờ nhà giáo hết đau thương vì… tiền?

Việc xóa dạy thêm học thêm trong nhà trường mà TPHCM đang mạnh tay thực hiện cũng xuất phát từ những “bất an” của dạy thêm học thêm theo cách nghĩ tiêu cực. Xóa dạy thêm học thêm trong trường học có thể sẽ xóa được những tiếng thở dài, những ưu tư của học trò, phụ huynh và cả những nghi kỵ đối với giáo viên. Đó là việc cần phải làm, không có gì phải bàn cãi.
Nhưng có việc còn quan trọng không kém đã được nhắc đến, hứa hẹn từ lâu, đó là nỗi cay đắng của người thầy xuất phát từ đời sống thu nhập bấp bênh. Đồng lương èo ọt không đủ sống nhưng không dạy thêm người thầy chỉ có hai lựa chọn: bỏ nghề hoặc kiếm nghề tay trái để… nuôi mình, nuôi nghề. Nhưng có yêu nghề đến mấy, khi người thầy một tay hai ba việc thì làm sao họ có thể đầu tư tâm sức cho chuyên môn, học trò?
Như lời chua chát của cô Tô Thị Diễm Quyên, đang công tác ở Sở GD – ĐT TPHCM: Giáo viên dạy thêm làm gì để thân tàn ma dại vì ngày dạy 9-10 tiết, tối dạy thêm và khuya chấm soạn bài cùng hàng đống thứ vắt kiệt sức lực người thầy? Dạy thêm để làm gì khi thiên hạ đòi xử nhà giáo như những tội phạm?
Theo cô Quyên, nếu giáo viên không đủ sống, không dạy thêm và cũng không biết chạy ngược xuôi làm nghề tay trái thì chỉ còn phương án bỏ nghề. Hãy nhường lại bục giảng cho những ai có điều kiện kinh tế và không sống bằng lương. Những người thầy đó mới có đủ lực để tồn tại, để tái tạo chất xám khi cầm phấn không run tay bởi cơm áo gạo tiền.
Giáo dục là quốc sách nhưng quốc sách lại đang bỏ rơi hoặc cố tình làm ngơ trước nỗi cay đắng, tủi hờn của những người cầm trịch giáo dục? Thu nhập của giáo viên cần được giải quyết bằng những quyết sách rõ ràng chứ không phải bằng những lời hứa, những lời chia sẻ lặp đi lặp lại hàng chục năm qua.
Đã đến lúc phải quyết liệt đối với thu nhập của nhà giáo, phải kiên quyết hơn cả việc chúng ta đang hành động để xóa dạy thêm học thêm. Để những người thầy đang theo nghề, chưa bỏ nghề có thể dốc sức cho học trò nghề và về lâu dài là để người tài không quay lưng với giáo dục.

Đừng để nhà giáo phải chảy nước mắt vì đồng tiền!
Đừng vì một con sâu mà làm dầu nồi canh ! 
Nguồn dân trí

Lịch sử trường đại học thủ đô hà nội

10:26 |
Trường Cao đẳng Sư phạm Hà Nội được thành lập ngày 06/01/1959. Trong suốt quá trình hơn 50 năm xây dựng và trưởng thành, nhà trường đã không ngừng phát triển, đóng góp xuất sắc vào sự nghiệp giáo dục đào tạo của Thủ đô Hà Nội nói riêng và của cả nước nói chung. Lịch sử hình thành và phát triển của nhà trường gắn liền với sự nghiệp đấu tranh cách mạng cũng như phát triển của đất nước và Thủ đô và có thể được chia ra thành 09 giai đoạn chủ yếu sau đây:

  Giai đoạn 1959 – 1964 – Trường Sư phạm Trung, Sơ cấp Hà Nội
Trong thời gian chuẩn bị cho năm học 1959 – 1960, Sở Giáo dục Hà Nội đã gửi tờ trình lên Bộ Giáo dục và Ủy ban Hành chính thành phố xin phép cho Hà Nội được mở trường Sư phạm. Sở Giáo dục đã giao nhiệm vụ cho hai đồng chí Nguyễn Công Tạc và Bùi Đình Tân cùng một số giáo viên cũ của trường Sư phạm Sơ cấp và Chu Văn An II chịu trách nhiệm tổ chức trường Sư phạm đầu tiên của Thủ đô: Trường Sư phạm Trung, Sơ cấp Hà Nội.
  Giai đoạn 1965 – 1969 – Trường Sư phạm Cấp II Hà Nội
Việc đào tạo giáo viên cấp 2 hệ 7+2, thật ra chỉ là giải pháp tình thế nhằm khắc phục tình trạng thiếu giáo viên nghiêm trọng của Thủ đô Hà Nội mấy năm sau hòa bình lập lại. Nhưng chúng ta đã sớm nhận thức được, là muốn có đội ngũ giáo viên cấp 2 có chất lượng hơn thì cấn sớm nâng cấp hệ đào tạo khi điều kiện cho phép. Chính vì vậy mà trường chỉ mở 2 khóa 7+2, sau đó chuyển sang hệ 10+1. Đến thời điểm này số lượng giáo viên cấp 2 của Hà Nội đã tương đối đủ theo yêu cầu cho phép, trường Sư phạm Hà Nội triển khai đào tạo giáo viên cấp 2 hệ dài hạn hơn – hệ 10+2.
Tuy vẫn là hệ Trung cấp nhưng với hệ 10+2, chất lượng giáo sinh đã được nâng lên một bước. Vì học sinh đã tốt nghiệp phổ thông hệ 10 năm nên có điều kiện tiếp cận với những kiến thức cơ sở của chương trình đại học.  
  Giai đoạn 1970 – 1975 – Trường Sư phạm Cấp II Hà Nội
Đầu năm học 1969 – 1970, nhà trường chỉ còn hệ đào tạo Sư phạm cấp II với 4 ban: văn sử, toán lí, sinh hóa, sinh địa. Đây cũng là năm học cuối cùng của khóa I, hệ đại học.
Cũng từ năm học này, trường mang tên mới: Trường Sư phạm cấp II (10+3) Hà Nội.
Từ năm 1967, Bộ Giáo dục đã giao cho trường Đại học Sư phạm Hà Nội mở thí điểm khoa đào tạo giáo viên cấp 2 dạy 2 môn theo trình độ đại học, học trong 3 năm.
Năm học 1967-1968, trường đã tuyển sinh thí điểm 2 lớp(10+3) này. Trong khi đó nhà trường vẫn tiếp tục đào tạo đại trà hệ 10+2 và đặt 2 lớp 10+3 thí điểm này cạnh 2 lớp (10+3) của Bộ ở nơi sơ tán và cử các cán bộ giảng dạy tham gia giảng dạy và viết tài liệu học tập cho giáo sinh.
Việc chuyển từ đào tạo theo các hệ trung cấp sang hệ đại học (10+3), tuy mới là thí điểm nhưng cũng đánh dấu một bước ngoặt lớn về chất đối với nhà trường. Sự thay đổi của hệ đào tạo giáo viên cấp II từ bậc trung cấp sang bậc đại học mở đầu thời kì ổn định tương đối lâu dài của nhà trường. Sự thay đổi hệ đào tạo đặt ra nhiều vấn đề mới mẻ về nội dung, phương pháp, công tác quản lí điều hành buộc nhà trường phải suy nghĩ, tìm tòi các biện pháp giải quyết.
  Giai đoạn 1975 – 1978 – Trường Sư phạm Cấp II Hà Nội
Từ năm 1975, Trường Sư phạm cấp II (10+3) Hà Nội được coi là đơn vị duy nhất của địa phương được Bộ cho phép đào tạo giáo viên cấp 2 theo chương trình đại học.
Ngày 31-03-1976, Bộ Giáo dục gửi Ủy ban Hành chính thành phố Hà Nội chỉ thị số 764 về việc chuẩn bị công nhận tư cách pháp nhân cho trường Cao đẳng Sư phạm Hà Nội. Chỉ thị trên có vai trò khá quan trọng đối với việc phát triển của trường.
Để tăng cường bộ máy quản lí, trường đã được bổ sung thêm 01 Hiệu phó phụ trách chuyên môn (đ/c Vương Thị Hanh) và một số cán bộ giảng dạy các môn Nhạc, Họa, Thể dục, KTCN, KTNN, Ngoại ngữ … để kịp khai giảng năm học mới.
Nhờ sự chi viện kịp thời và có hiệu quả trên, trường Sư phạm (10+3) Hà Nội là trường duy nhất trong cả nước thực hiện đầy đủ việc đào tạo 12 ban theo chương trình thí điểm hệ Cao đẳng Sư phạm của Bộ Giáo dục.
  Giai đoạn 1978 – 1984
Từ một trường Sư phạm không chính quy của địa phương, chưa có tư cách pháp nhânn để tổ chức các kì thi và cấp bằn tốt nghiệp cho các giáo sinh hệ 10+3, giờ đây nhà trường đã được công nhận là một đơn vị đào tạo Cao đẳng Sư phạm chính quy của nhà nước (theo QĐ 164-TTG ngày 21-03-1978 của Thủ tướng Chính phủ vể công nhận chính thức một số trường Cao đẳng Sư phạm). Từ năm 1978, nhà trường bắt đầu một thời kìa mới, thời kì của một hệ đào tạo lâu dài nhất, ổn định nhất và đạt được nhiều thành tựu đáng tự hào nhất, tất cả đều xuất phát từ quyết định có tính pháp lí trên.
Đầu năm học 1980-1981, đồng chí Lê Văn Lương (Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội) đã về thăm và khảo sát nhà trường. Sau chuyến thăm đó, trường được xác định là đơn vị trực thuộc quản lí của Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội.
Về cơ cấu tổ chức: Ban Giám hiệu nhà trường bao gồm 01 hiệu trưởng và 01 hiệu phó. Nhà trường có 04 khoa và 01 tổ trực thuộc (khoa Tự nhiên, khoa Xã hội, khoa Ngoại ngữ, khoa Tại chức và tổ Tâm lý Giáo dục); 04 phòng và 01 ban (phòng Tổ chức-Cán bộ, phòng Giáo vụ, phòng Quản trị – Tài vụ, phòng Hành chính-Tổng hợp và ban Thư viện) 
  Giai đoạn 1984 – 1989
Quán triệt và thực hiện những tư tưởng lớn của Đại hội đại biểu toàn quốc Đảng cộng sản Việt Nam lần thứ IV, hướng tới kỉ niệm 30 năm ngày thành lập trường, quyết tâm vượt qua mọi khó khăn, tập trung mọi sức mạnh, với tư tưởng dám nghĩ dám làm, mạnh dạn đổi mới tư duy, đổi mới công tác tổ chức cán bộ, đổi mới tác phong và lề lối làm việc, thực sự làm chuyển biến các danh hiệu thi đua đã đạt được: Đảng bộ trong sạch và vững mạnh, Công đoàn và Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh vững mạnh.
Nhiệm vụ cơ bản của kế hoạch 3 năm 1987 – 1990:
+ Thực hiện thắng lợi Nghị quyết của Đại hội đại biểu toàn quốc Đảng Cộng sản Việt Nam lần thứ IV
+ Đổi mới toàn diện các hoạt động trong nhà trường
+ Chuẩn bị đội ngũ và các điều kiện để hoàn thành tốt nhiệm vụ cán bộ giảng dạy theo QĐ số 365/QĐ do Bộ Giáo dục ban hành ngày 20-03-1986
+ Phấn đầu mỗi giáo viên trở thành một chuyên gia cấp học
+ Phát động các phong trào thi đua lớn về mọi mặt để lập thành tích hướng tới kỉ niệm 30 năm ngày thành lập trường (06-01-1989)
  Giai đoạn 1989 – 1994
Ngay từ năm học 1989 – 1990, nhà trường đã thí điểm việc áp dụng quy trình đào tạo mới: chuyển từ cách đào tạo theo niên chế sang cách đào tạo tích lũy học phần. Để làm được việc này, nhà trường đã phải tự lực thiết kế lại chương trình đào tạo theo học phần cho cả 16 ban đào tạo khác nhau.
Nhà trường đã tổ chức nhiều cuộc hội thảo cấp trường, cấp khoa để phát huy trí tuệ tập thể nhằm xây dựng cho được 1 quy trình đào tạo mới khả thi. Các tổ chuyên môn cũng tập trung rà soát lại chương trình, phân công giảng dạy hợp lí, có ý thức hướng dẫn sinh viên học tập và nghiên cứu theo quy trình đào tạo mới, bước đầu thử nghiệm xây dựng cac quỹ đề thi học phần cho từng bộ môn.
Từ thói quen đào tạo theo niên chế, với việc kết thúc khóa đào tạo bằng một kì thi tốt nghiệp, nay chuyển sang cách đào tạo mới, không còn kì thi tốt nghiệp mà thay vào đó là việc xét và công nhận tốt nghiệp. Chỉ sau 1 năm học, việc đào tạo theo quy trình mới của nhà trường đã nhanh chóng đi vào nền nếp.  
  Giai đoạn 1994 – 1999
Là một cơ sở đào tạo sư phạm duy nhất của Hà Nội, trường Cao đẳng Sư phạm Hà Nội có nhiệm vụ đào tạo đội ngũ giáo viên THCS và Tiểu học có trình độ từ Cao đẳng trở lên để phục vụ nhiệm vụ quản lí và giáo dục tại các trường THCS và Tiểu học của Thủ đô Hà Nội. Bên cạnh đó, trường còn đảm nhiệm việc bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ cho các nhà giáo, các nhà quản lí giáo dục cấp Tiểu học và THCS để họ đạt chuẩn và trên chuẩn theo yêu cầu ngày càng cao của ngành Giáo dục Hà Nội.
Quán triệt những nhiệm vụ và chức năng trên, trường Cao đẳng Sư phạm Hà Nội đã xây dựng mục tiêu thích hợp, ngoài việc đào tạo các môn khoa học cơ bản, còn chú trọng đào tạo nghiệp vụ cho sinh viên , trang bị cho họ những năng lực sư phạm, kỹ năng nghiệp vụ cơ bản ngay khi đang là sinh viên. Công việc đó đã được tiến hành kiên trì, đồng bộ như sau: Quan tâm chỉ đạo thực hiện giảng dạy nghiêm túc các môn khoa học nghiệp vụ; Gắn công tác đào tạo nghiệp vụ với thực tế phổ thông; Kiến tạo môi trường Sư phạm mẫu mực trong mọi hoạt động để rèn luyện sinh viên; Đổi mới hoạt động rèn luyện nghiệp vụ thường xuyên; Tiếp tục đổi mới công tác kiến tập, thực tập sư phạm.
Năm học 1998 – 1999 là năm học thứ 40 kỉ niệm thành lập trường trong khí thế thi đua dạy tốt – học tốt lập thành tích chào mừngLễ đón nhận Huân chương Độc lập hạng Ba và kỉ niệm 40 năm thành lập Trường Cao đẳng Sư phạm Hà Nội, nhà trường đã có những chuyển biến toàn diện và mạnh mẽ.
Phát huy những thành tựu của 40 năm, toàn trường hướng mọi hoạt động vào mục tiêu phấn đấu xây dựng trường Cao đẳng Sư phạm Hà Nội thành trường Đại học Thủ đô.
  Giai đoạn 1999 – nay
Từ giữa những năm 1990 đến nay, nhà trường đã có nhiều tờ trình gửi các cơ quan hữu quan, các cấp trên, với tính chất như là những văn bản chuẩn bị về mặt pháp lí cho quá trình nâng cấp trường lên đại học.
Mục tiêu trước mắt và một vài năm đầu thế kỉ XXI của trường Cao đẳng Sư phạm Hà Nội là: Đào tạo giáo viên Tiểu học và Trung học cơ sở chất lượng cao, theo hướng xây dựng trường thành trường Đại học của Thủ đô.

Thông điệp của hiệu trưởng trường đại học thủ đô hà nội

10:22 |
Năm học 2015-2016 của Nhà trường diễn ra trong bối cảnh toàn ngành đang nỗ lực triển khai Nghị quyết Hội nghị lần thứ 8 Ban Chấp hành Trung ương Đảng Khóa XI về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo nước nhà. Bối cảnh này khiến chúng ta phải có những suy nghĩ thật sâu sắc về sứ mạng của nhà trường, của mỗi chúng ta trong công cuộc chấn hưng, phát triển giáo dục, để từ đó có những đóng góp thiết thực với sự phát triển giáo dục của Thủ đô và cả nước. Đây cũng là một đòi hỏi tất yếu mà thời đại đặt ra đối với chúng ta – thời đại mà giáo dục trở thành động lực của sự phát triển đất nước, là cơ sở cho sự trường tồn dân tộc, là sức mạnh để bảo đảm chủ quyền Tổ quốc và là điều kiện để Quốc gia nâng tầm vị thế trong hội nhập quốc tế sâu, rộng.

Thưa quý vị đại biểu, quý thầy cô và các em học sinh, sinh viên
Trường ĐHTĐ Hà Nội mà tiền thân là Trường CĐSP Hà Nội, vốn là một trong số những trường cao đẳng được đánh giá thuộc tốp đầu trong hệ thống các trường cao đẳng trong toàn quốc với những ưu thế nổi trội như: có đội ngũ cán bộ, giảng viên có kinh nghiệm, có quy trình đào tạo tương đối hoàn chỉnh, có chương trình đào tạo chất lượng cao .v.v.
Đúng là, không thể không khẳng định bề dầy truyền thống và những thành tựu to lớn mà các thế hệ thầy trò của Nhà trường đã tạo dựng cho thầy trò Trường ĐHTĐ Hà Nội hôm nay. Cũng giống như, không thể không khẳng định những đóng góp quan trọng của nền giáo dục nước nhà với quá trình bảo vệ, xây dựng và phát triển đất nước. Tuy nhiên, với vị thế của một trường đại học, khi chúng ta đặt Nhà trường trong mối quan hệ với hệ thống các trường đại học, mới thấy rằng còn một khoảng cách không nhỏ về phương diện đẳng cấp giữa Trường chúng ta với nhiều trường đại học khác. Cũng giống như, khi nhìn nhận nền giáo dục nước nhà theo hệ qui chiếu của giáo dục thế giới thì sẽ thấy rõ những bất cập và tụt hậu khá xa của giáo dục nước ta so với nhiều nước khác.
Đặt vấn đề như vậy để thấy rằng, chỉ khi biết trân trọng quá khứ mới biết yêu nhiều hơn hiện tại và có động lực mạnh mẽ hơn để xây dựng tương lai. Trân trọng quá khứ là biết rõ về cội nguồn phát triển, biết làm gia tăng giá trị của những tinh túy đã lắng đọng qua thăng trầm của phát triển, chứ không phải là sự huyễn hoặc, ru ngủ mình bởi những hào quang của quá khứ.
Mỗi giai đoạn lịch sử luôn đặt ra những đòi hỏi, yêu cầu khắt khe với những chủ nhân của nó. Vị thế mới của Nhà trường cũng đặt ra những yêu cầu mới với thầy trò Nhà trường. Theo đó, mỗi chúng ta cần suy nghĩ và hành động như thế nào để hoàn thành sứ mạng của Nhà trường là kết nối, phát triển truyền thống của Thủ đô Hà Nội ngàn năm văn hiến? Chúng ta sẽ suy nghĩ và hành động như thế nào để Trường Đại học Thủ đô Hà Nội không ngừng khẳng định ý nghĩa, vai trò của mình trong sự phát triển của Thủ đô Hà Nội?
Các em học sinh và sinh viên yêu quý!
Các em có mặt trong buổi lễ long trọng ngày hôm nay là đại diện cho thế hệ học sinh, sinh viên đầu tiên của Trường ĐHTĐ Hà Nội. Đây là niềm tự hào và vinh dự lớn đối với các em. Cùng với niềm vinh dự đó, các em sẽ cùng với các thầy cô chia sẻ trách nhiệm của những người đặt những viên gạch đầu tiên nhưng vững chắc cho bước đi xây dựng Trường ĐHTĐ Hà Nội trở thành trường đại học đa ngành, chất lượng cao, đào tạo theo định hướng nghề nghiệp ứng dụng, đi tiên phong trong đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo.
Những bước khởi đầu thường nhiều gian truân, vất vả!
Chỉ trong quãng thời gian ngắn ngủi từ khi nhập trường đến nay, chắc là sẽ có em đã có những giây phút chạnh lòng khi so sánh về cơ sở vật chất, điều kiện học tập của mình với bạn học ở những trường đại học khác. Thực tế là như vậy đó! Nhưng các em hãy vững tin, với điều kiện thực tế của Nhà trường hiện nay, các thầy cô và Nhà trường luôn dành cho các em những gì thuận lợi và tốt đẹp nhất để các em thực sự có những ngày tháng của cuộc đời sinh viên đầy ý nghĩa. Những gì cần có nữa trong quãng đời sinh viên của các em là do chính các em kiến tạo.
Năm tháng sẽ qua đi, các em sẽ tốt nghiệp và hòa mình vào dòng đời sôi động. Theo dòng thời gian, dấu ấn của cuộc sống sẽ in hằn trên khuôn mặt của các em với nét đậm nhạt khác nhau. Chắc chắn rằng, sẽ nhiều lúc trong dòng thời gian đó, ký ức về một thời sinh viên sẽ sống dậy ở mỗi em. Hãy làm cho ký ức sẽ có đó là ký ức đẹp nhất trong cuộc đời của các em. Và đương nhiên, để làm được điều đó, ngay từ bây giờ các em phải xác định cho mình tinh thần, ý chí học tập và rèn luyện nhằm khẳng định giá trị của bản thân và chuẩn bị cho một tương lai tốt đẹp. Các em cần hun đúc những khát vọng vươn lên cái tiến bộ, cái tốt đẹp bằng việc sống có trách nhiệm với bản thân, với công việc, với gia đình, cộng đồng và xã hội.
Các em sẽ là những trí thức của đất nước và phải là những trí thức biết sẵn sàng cống hiến những sáng tạo của mình cho quê hương, cho tổ quốc và nhân dân. Hãy nuôi dưỡng và phát triển năng lực sáng tạo của bản thân bởi phong cách học tập chủ động, tích cực. Học tập để có tri thức và sử dụng tri thức đã có để tạo ra những tri thức mới, đóng góp mới.
Các em sẽ làm được những điều nói trên, bởi các em là những người biết nhớ đến lời ru tha thiết của mẹ, sự nhọc nhằn hôm sớm của người cha; các em là những người biết trân trọng những kỳ vọng và niềm tin mà các thầy cô giáo đã dành cho các em và hiểu được sự bình yên có được ngày hôm nay là sự hiến dâng cuộc đời của bao thế hệ.
Kính thưa các thầy giáo, cô giáo, các cán bộ, nhân viên Nhà trường
Chúng ta đã khoác lên mình tấm áo mới và chúng ta không muốn mình chỉ là giá treo cho tấm áo đó. Hãy nhìn thẳng vào một thực tế: chúng ta đã từng là một trường cao đẳng mạnh nhưng khi nâng cấp thành trường đại học, chúng ta đứng trước nguy cơ là một trường đại học yếu.
Vẫn biết rằng sẽ còn nhiều khó khăn vất vả và rào cản trong cuộc sống, hoạt động hôm nay, nhưng chúng ta luôn vững tin ở tương lai phát triển của Nhà trường. Trong mỗi chúng ta luôn tiềm ẩn khát vọng cống hiến, luôn tiềm ẩn khát vọng về những gì là Chân, Thiện, Mỹ. Thực tiễn của Nhà trường trong những tháng ngày mới đây đã chứng minh điều đó. Đây chính là sức mạnh để chúng ta vượt qua trở ngại để đi đến thành công.
Với sứ mạng đào tạo thế hệ những người chăm lo, nuôi dưỡng ước mơ và hình thành các giá trị cơ bản cho các thế hệ tương lai, chúng ta càng ý thức sâu sắc hơn về trọng trách và vinh dự của nghề dạy học. Chúng ta phải thật sự là tấm gương của sự sáng tạo, vị tha, tâm huyết với nghề nghiệp và dám tự đổi mới mình vì những gì cao cả của tương lai giáo dục Thủ đô và giáo dục của đất nước. Có như thế, chúng ta mới làm bừng lên sức sống, mới khơi dậy được những khát khao hiểu biết, khát khao khám phá và khát khao cống hiến của học sinh, sinh viên Nhà trường. Chúng ta tin tưởng vào học sinh, sinh viên của chúng ta – những con người nặng lòng với quê hương, đất nước, biết trăn trở với nỗi đau nghèo khó, lạc hậu và biết nuôi chí xây đời.
Thưa quý vị đại biểu, thưa các thầy cô và các em học sinh, sinh viên!
Với chủ đề:“Ổn định và đổi mới toàn diện, vững chắc, khẳng định và nâng cao vị thế của Trường Đại học Thủ Đô Hà Nội”, năm học nàyĐảng ủy, Ban Giám hiệu cùng đội ngũ cán bộ, viên chức Nhà trường sẽ tập trung vào một số công việc sau:
1/ Xây dựng Chiến lược phát triển Nhà trường giai đoạn 2015-2025;
2/ Kiện toàn cơ cấu tổ chức bộ máy và nhân sự;
3/ Cải thiện điều kiện làm việc của giảng viên, cán bộ, nhân viên và điều kiện học tập của học sinh, sinh viên; khai thác, sử dụng có hiệu quả các nguồn thu nhằm cải thiện điều kiện thu nhập cho cán bộ, nhân viên, đặc biệt là đội ngũ giảng viên;
4/ Đổi mới quản lý nhà trường bằng việc xây dựng hệ thống quản lý thông minh, lấy công nghệ thông tin làm nền tảng, lấy văn hóa phục vụ, văn hóa tự hoàn thiện làm môi trường;
5/ Phát triển nguồn nhân lực của Nhà trường đáp ứng yêu cầu của trường đại học đa ngành, đào tạo theo định hướng nghề nghiệp ứng dụng;
6/ Phát triển chương trình đào tạo theo định hướng nghề nghiệp ứng dụng; nâng cao chất lượng chương trình đào tạo chất lượng cao, tạo điểm nhấn trong đào tạo của Nhà trường; chủ động tham gia có hiệu quả trong công cuộc đổi mới giáo dục và thực hiện chương trình sách giáo khoa sau 2015 của giáo dục Thủ đô;
7/ Mở rộng quy mô, nâng cao chất lượng của hoạt động NCKH và hợp tác phát triển;
Một năm học mới bắt đầu. Thay mặt Lãnh đạo Nhà trường tôi kêu gọi toàn thể cán bộ, giảng viên, nhân viên và học sinh sinh viên toàn trường đoàn kết nhất trí, nhận thức sâu sắc những trọng trách cao cả của mình và có những hành động thiết thực vì mục tiêu phát triển của Nhà trường.
Tôi cũng tin tưởng rằng, với sự quan tâm của Thành ủy, UBND, các Sở, Ban ngành của thành phố, Đảng ủy Khối các trường ĐH và CĐ Hà Nội, của địa phương và các cơ quan, đơn vị đối tác, thầy trò Trường ĐHTĐ Hà Nội sẽ vượt qua những khó khăn, trở ngại và hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ năm học.
Nhân dịp này, cho phép tôi gửi lời chúc sức khỏe, gửi lời tri ân đối với toàn thể cán bộ, viên chức của Nhà trường, những người đã và đang có những cống hiến quan trọng cho sự phát triển Trường ĐHTĐ Hà Nội thân yêu của chúng ta.
Xin kính chúc các vị đại biểu, các thầy cô luôn mạnh khỏe, hạnh phúc và thành đạt. Chúc các em học sinh, sinh viên có một khóa học thành công.
Xin trân trọng cảm ơn!
Được tạo bởi Blogger.

Đại học thủ đô hà nội xét tuyển văn bằng 2 mầm non, văn bằng 2 tiểu học, trung cấp mầm non, trung cấp tiểu học

Contributors