Năm 2016 các trường đại học có thể sẽ không đủ chỉ tiêu
19:03 |
Theo Dân trí đưa tin Đồng ý với quan điểm của Bộ GD&ĐT là
xét tuyển theo hình thức tập trung là giảm được thí sinh “ảo” nhưng ông Đinh
Văn Sơn, Hiệu trưởng trường ĐH Thương Mại cho rằng, có một điều chắc Bộ chưa
tính đến tình trạng là hầu hết các trường sẽ không tuyển đủ chỉ tiêu đã được Bộ
phê duyệt.
Phương
án xét tuyển tập trung cho các trường đại học sử dụng kết quả thi THPT quốc gia
để xét tuyển mà Bộ GD&ĐT vừa đưa ra đã gây nhiều ý kiến tranh luận, phóng
viên Dân trí đã
có cuộc trao đổi với GS.TS Đinh Văn Sơn, Hiệu trưởng trường ĐH Thương Mại về phương
án xét tuyển mới này.
Các trường "nhàn hạ" hơn trong công tác xét tuyển
Các quy định, quy chế tuyển sinh năm 2016 vừa
được Bộ GD &ĐT ban hành xong, nay lại có sự thay đổi đột ngột chuyển hướng
xét tuyển của các trường về bộ theo hình thức xét tuyển tập trung. Là nhà quản
lý, nhà tuyển sinh ông thấy thế nào?
Việc tiếp tục hoàn thiện quy chế tuyển sinh đại học, cao đẳng là
hoàn toàn cần thiết, mang tính thời sự và luôn luôn nhận được sự quan tâm của
toàn xã hội. Ngay sau khi kết thúc công tác tuyển sinh 2015, quy chế tuyển sinh
đại học đã được Bộ điều chỉnh, bổ sung và hoàn thiện một số nội dung.
Nhưng đến nay, cũng chưa hẳn đã hết những tiềm ẩn bất cập có thể
xảy ra trong mùa tuyển sinh 2016. Thay vì cho việc xét tuyển được thực hiện ở
từng trường đại học, nay sẽ là xét tuyển tập trung do Bộ GD-ĐT chủ trì.
Theo tôi, không có gì là quá đột ngột mặc dù đã cận kề mùa tuyển
sinh. Bởi lẽ, việc thay đổi này chỉ thuần tuý là điều chỉnh kỹ thuật, tác
nghiệp. Hơn nữa, việc điều chỉnh này sẽ không làm thay đổi các quyền cũng như
việc lựa chọn trường, ngành của thí sinh. Và việc điều chỉnh này có lẽ sẽ giúp
các trường "nhàn hạ" hơn trong công tác xét tuyển.
Xét tuyển tập trung không góp phần nâng cao
chất lượng đào tạo
Theo ông, Bộ quy định xét tuyển tập trung như
vậy có vi phạm quyền tự chủ của các trường?
Theo tôi, dù có những ưu điểm nhất định, nhưng tất cả các trường
sử dụng kết quả thi THPT quốc gia để xét tuyển đều phải tham gia xét tuyển tập
trung thì phần nào đã ảnh hưởng tới khái niệm quyền tự chủ trong tuyển sinh của
các trường đại học.
Và tôi cũng không nhất trí với quan điểm của Bộ cho rằng xét tuyển
tập trung sẽ góp phần nâng cao chất lượng đào tạo. Vì tập trung hay không tập
trung thì cuối cùng đều để tiến tới mục tiêu là những thí sinh có kết quả học
tập phổ thông tốt hơn sẽ trúng tuyển, đáp ứng chất lượng đầu vào của từng
trường, từng ngành và chuyên ngành đào tạo.
Xét trên phạm vi cả nước, công tác tuyển sinh không góp phần nâng
cao chất lượng đào tạo. Vẫn là những thí sinh đó, nếu đáp ứng các điều kiện
tuyển sinh thì nếu không trúng tuyển trường này, sẽ trúng tuyển trường khác.
Tương tự như vậy, đối với các ngành và chuyên ngành đào tạo.
Việc Bộ GD & ĐT đưa ra phương án xét
tuyển tập trung “đột ngột” này có phải là sẽ “ép buộc” các trường thực hiện hay
không?
Nói chính xác hơn là chỉ áp dụng đối với các trường sử dụng kết
quả kỳ thi THPT quốc gia để xét tuyển. Sử dụng khái niệm “ép buộc” e là không
chính xác. Về khía cạnh pháp lý, các trường đại học phải chấp hành khi đã được
ban hành với tư cách là một phần của quy chế tuyển sinh.
Phương án xét tuyển tập trung Bộ đưa ra, liệu có giảm được “ảo”
thưa ông?
Về mặt lý thuyết và theo như ý kiến của Cục khảo thí & kiểm
định chất lượng giáo dục thì với hình thức xét tuyển tập trung thì giảm ảo. Tôi
đồng ý điều này.
Nhưng có một điều chắc Bộ chưa tính đến tình trạng là hầu hết các
trường sẽ không tuyển đủ chỉ tiêu đã được Bộ phê duyệt.
Vì sao vậy?
Bởi vì nếu tự tổ chức xét tuyển, khi có tình trạng có một số các
ngành, chuyên ngành không có hoặc ít thí sinh đăng ký xét tuyển, các trường sẽ
điều chỉnh chỉ tiêu sang ngành, chuyên ngành có nhiều thí sinh đăng ký.
GS.TS Đinh Văn Sơn, Hiệu trưởng trường ĐH Thương Mại
Điều này vừa đảm bảo chất lượng đầu vào của các ngành, chuyên
ngành đào tạo. Hơn nữa, việc điều chỉnh như vậy tăng cơ hội trúng tuyển cho thí
sinh, nhà trường cũng sẽ hoàn thành chỉ tiêu tuyển sinh.
Việc điều chỉnh chỉ tiêu tuyển sinh dự kiến của các ngành, chuyên
ngành trong quá trình xét tuyển sẽ không thể thực hiện nếu xét tuyển tập trung.
Không ai dám chắc không có hiện tượng ngẽn
mạng
Ông
có nghĩ rằng, hạ tầng công nghệ thông tin của Bộ GD& ĐT sử dụng năm 2015 đã
xảy ra sự cố nhưng năm nay vẫn dùng chung phần mềm xét tuyển, nguy cơ sự cố
“ngẽn mạng” có thể xảy ra bất kỳ lúc nào?
Theo tôi, khi xây dựng đề án xét tuyển tập trung chắc chắn Bộ
GD&ĐT đã tính đến điều này. Vừa rồi theo ý kiến từ phía Cục khảo thí &
KĐCLGD thì phần mềm đã được chạy thử bằng nguồn dữ liệu tuyển sinh 2015.
Nhưng đó
là dữ liệu sẵn có, chưa tính đến tốc độ đường truyền, an ninh mạng.... Không ai
dám chắc là sẽ không có hiện tượng ngẽn mạng hoặc các sự cố kỹ thuật có thể sảy
ra trong tuyển sinh 2016. Bộ cần cân nhắc kỹ về vấn đề này.
Vậy,
Trường ĐH Thương Mại sẽ tuyển sinh theo hướng nào?
Năm 2016, trường ĐHTM vẫn sẽ sử dụng kết quả kỳ thi THPT quốc gia
để xét tuyển. Tuyển sinh năm 2015, chúng tôi chỉ xét tuyển có một đợt, số thí
sinh trúng tuyển nhập học đạt trên 96%. Tỷ lệ này đã nằm trong dự kiến của
chúng tôi.
Xin trân trọng cám ơn ông!
Hồng Hạnh (thực
hiện)